Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Hà Tĩnh

Hà Tĩnh ở Bắc miền Trung Việt Nam, toạ độ 17053’50’’- 18045’40’’ vĩ Bắc và 105005’50’’ – 106029’40’’ kinh Đông, thiên nhiên phân rõ bốn mùa, nhưng cả bốn mùa đều tươi đẹp – vì vừa có sơn thuỷ hữu tình, vừa được bàn tay con người tạo dựng.

Ở vùng đồng bằng, xen giữa những làng cày, làng vạn, còn có hàng trăm làng thủ công , làng nghề truyền thống nổi tiếng: Làng mộc Xa Lang, Thái Yên, Quyết Nhược; làng rèn Minh Lang (Trung Lương), Vân Chàng; làng gốm Cẩm Trang; làng dệt (lụa, vải) Việt Yên Hạ, Yên Hồ, Đồng Môn; làng kim hoàn Nam Trị, Ngân Tượng; làng đúc đồng Đức Lâm; làng làm bồ tre Đan Chế…

Dãy Dăng Màn, với hàng ngàn khe suối, là đầu nguồn của các rào, các sông: Ngàn Phố, Ngày Sâu…Thiên nhiên vừa hùng vĩ, tươi đẹp lạ lùng, vừa là kho tài nguyên vô giá. Khe Vũ Môn “có thác ba bậc”…, ngoài trăm dặm trông như một làn khói trắng, vắt trên núi xanh , tương truyền hàng năm cứ đến mồng tám tháng tư, cá ngáy vượt được khe này thì hoá rồng…Ao nước mặn (Hàm Trĩ) “ Giữa cánh đồng dưới núi Bằng Bản…, chu vi chừng ba bốn trượng, nước sâu không thẻ lường, vị nước rất mặn”…, là dấu vết của biển từ đầu đại cổ sinh. Khe Nước Sốt (Nậm Chốt) “Nước hơi đen, hơi bốc lên như khói” là suối khoáng nóng đến 750.

Đặc biệt, rừng Vũ Quang là một trong nhưng khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất của cả nước có hệ sinh thái hết sức phong phú.

Dãy Trà Sơn như một tiền duyên của dãy Dăng Màn, từ hữu ngạn ngã ba Tam Soa, chạy qua vùng thượng Can Lộc, vào tận Thạch Hà, nối với vùng núi Mỹ Duệ, Dư Lạc (Cẩm Xuyên), Vọng Hiệu (Kỳ Anh). Bao quanh vùng hồ - công trình đại thuỷ nông Kẽ Gỗ - là vùng rừng già trên đất ba huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê, là khu bảo tồn Quốc gia thứ hai ở Hà Tĩnh.

Nằm rải rác giửa đồng bằng và ven biển vẫn là núi…

Dãy “Hồng Lĩnh 99 ngọn” kéo dày 30 km từ bờ Nam sông Lam đến cửa Động Gián, xưa từng được coi là một trong 21 danh sơn nước Việt, và cùng với Lam Giang là biểu tượng của xứ Nghệ - Nghệ Tĩnh. Dãy Hoành Sơn, chiếm 1.500 km2, nối vùng núi Vọng Liệu (Kỳ Anh) – Tuyên Hoá (Quảng Bình) ra tận Mũi Đao, Mũi Độc trên bờ biển Đông, với Đèo Ngang (256m) “danh thắng xưa nay”.
Sông Lam – Ngàn Cả - Là con sông lớn ở Bắc Trung Bộ, hết địa phận huyện Nam Đàn chảy giữa các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc (Nghệ An) và Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) rồi đổ ra cửa Hội

Hai con sông Ngàn Sâu (121km) từ Hương Khê, Vụ Quang; và Ngàn Phố(69km) từ Hương Sơn xuống đến ngã ba Tam Soa Thì hội với sông La, chảy qua 15km trên vùng đồng bằng Đức Thọ, và đổ vào sông Lam ở ngã ba Phủ. La Giang cùng với Tùng Lĩnh - một ngọn núi nhỏ trên núi Tam Soa, xưa nay là danh thắng của Hà Tĩnh.

Những ngọn núi nằm sát bờ biển đều tạo ra quang cảnh thiên nhiên kỳ thú. Riêng dãy Cao Vọng (Kỳ Anh) vươn ra biển đến 8 km, điểm mút là Mũi Ròn. Phía Nam là Vũng Môn (ở làng Phác Môn) và phía Bắc núi là Vũng Áng (ở làng Vũng Áng) đang được xây dựng thành một cảng biển nước sâu quan trọng. Cách bờ không xa vùng biển Cẩm Xuyên, Kỳ Anh có một số đảo nhỏ: hòn Bơớc, hòn Én, hòn Sơn Dương, hòn Con Chim. Yến Sào hòn Én cùng với tôm hùm, sò huyết là những đặc sản của vùng biển Hà Tĩnh.

Biển Hà Tĩnh có tới 267 loài hải sản quý thuộc 90 họ: cá, tôm, mực…, trong đó có 60 loài có giá trị kinh tế cao. Nguồn hải sản phong phú và truyền thống chế biến nước mắm lâu đời, tạo nên tiếng tăm cho nước mắm Cương Gián, Nhượng Bạn, Kim Đôi… hoặc những làng muối lâu đời: Hộ Độ, Thiện Trị.

Tỉnh Hà Tĩnh được thiết lập năm Tân Mão, niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831). Tỉnh thành được đặt tại xã Trung Tiết - huyện Thạch Hà – nay là thị xã Hà Tĩnh.

Từ thời tiền sử con người đã sinh sống trên vùng đất này. Họ là chủ nhân các di chỉ văn hoá khảo cổ văn hoá Quỳnh Văn, văn hoá Bàu Tró (Thời đại đồ đá), và các di chỉ thuộc văn hoá Đông Sơn (thời kim khí: đồng, sắt)…

Cùng với các di chỉ khảo cổ, cón có nhiều truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, đậm nhất là chuyện (kinh) Dương Vương lấy nàng Thần Long, lập đô ở ấp Thúc Lĩnh (Ngàn Hồng) và sinh con trưởng là Long Vương (tức Lạc Long Quân). Về sau, Long Vương ra coi việc nước ở vùng Bạch Hạc, rồi lập đô ấp mới ở Nghĩa Lĩnh – Hy Cương…

Lịch sử đất này từng là tiền đồ phía Nam của nước Việt cổ, lại là hậu cứ của cuộc chống xâm lược phương Bắc, phương Tây.

Vùng Nam sông Lam đã là một căn cứ chống quân đô hộ nhà Đường của hoàng tử con thứ vua Mai ở thế kỷ VIII; là “ thủ đô kháng chiến” của vua Quang Trung, nhà hậu Trần; là “đất dừng chân” của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh đầu thế kỷ XV; là trung tâm của phong trào Cần Vương chống Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX; là ngọn lửa sáng của cách mạng Duy tân và Xô Viết Nghệ Tĩnh đầu thế kỷ XX; lại là “an toàn khu” của cuộc kháng chiến chống Pháp, là đất dung tuyến của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

Rất nhiều tên đất đã trở thành địa danh lịch sử: Mai Phụ, Động Choác, Tiên Hoa, Lục Niên, Vụ Quang, ngã ba Đồng Lộc…

Gắn với các địa danh lịch sử là tên tuổi các anh hùng cứu quốc: Mai Thúc Loan, Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Nguyễn Biên, Nguyễn Tuấn Thiện, Trần Duy, Phan Đình Phùng, Lê Ninh, Cao Thắng…, các chiến sĩ yêu nước và cách mạng: Lê Văn Huân, Ngô Đức Kế, Nguyễn Hàng Chi, Đậu Quang Lĩnh, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Duy Điếm, Lý Tự Trọng, Phan Đình Giót… Và với Truyền thống yêu nước, tinh thần thượng võ, hàng vạn anh hùng đã bỏ mình dưới cờ nghĩa, trên chiến trường, trong tù ngục suốt hàng vạn năm vì độc lập tự do. Tuy nhiên từ lâu người ta biết đến vùng đất này qua hình ảnh “ông đồ Nghệ” lắm chữ, giỏi văn chương.

Ở đây đã từng có những tấm gương ham học, những con người học giỏi được xếp vào loại “Tràng An tứ hổ”, “An Nam ngũ tuyệt”, “Nghệ An tứ hổ”, “Hạc Lập kế quần”…

Ý Chí, trí tuệ của vùng đất này đã tạo nên và hiến cho đất nước nhiều tài năng lớn. Những Trần(Sử) Hy Nhan, Nguyễn Nghiễm… tinh thông sử học; Nguyễn Thiếp giỏi y học; Lê Hửu Trác “Thần y”(gốc Hải Dương); Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Công Trứ có tài kinh bang kế thế, Nguyễn Huy Oánh, Bùi Dương Lịch, Phan Nhật Tĩnh học giỏi và là nhà giáo có uy tín; và Nguyễn Du – thi bá của muôn đời.

Thời hiện đại, vùng đất này cũng là nơi sinh trưởng của Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Diệu, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đức Từ Chi, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đình Tứ và nhiều tên tuổi khác.

“Công đức ư dân, danh tại sử” – Tên tuổi các anh hùng hào kiệt, các doanh nhân , tuấn sỹ khong những được chép vào những bộ sử bằng chữ viết, bằng lời ca, mà cả những bộ sử bằng đá, bằng gạch. Những đền, miếu, tượng, bia, những công trình lưu niệm…Đó là hàng nghìn di tích lịch sử và văn hoá từng tồn tại trên mảnh đất này.

Ngày nay các hiện vật vô giá ấy không còn nhiều, nhưng những toà đền Đặng Quốc Công và Đặng Văn Chương, Nghĩa vương Nguyễn Biểu…, những ngôi miếu Tam toà thánh mẫu, chế Thắng phu nhân…, những ngôi chùa: Hương Tích, Diên Quang (chùa Am); những công trình kiến trúc- mỹ thuật: đền Tam Lang (Hậu Lộc), đền Thánh Thợ (Thái Yên), đền Chiêu Trưng Đại Vương (Cửa Sót)…, những phế tích luỹ cũ Đèo Ngang, trận lỵ Dinh Cầu, phố cổ Phù Thạch…, một khu bảo tồn thiên nhiên Vụ Quang, một Ngã Ba Đồng Lộc, một khu lưu niệm Nguyễn Du, một nhà văn hoá Xuân Diệu… cũng đủ để ta hiểu và yêu thiên nhiên, con người Hà Tĩnh.
( theo sở thương mại và du lịch Hà Tĩnh )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét