Không độc thoại
Vợ,chồng cần học cách giữ bình tĩnh trong những tình huống khó kiềm chế nhất. (Ảnh minh họa)
Trong đời sống hôn nhân, có vô số cuộc đối thoại biến thành độc thoại. Đó là điều rất tồi tệ và không mang lại kết quả gì, ngoài việc làm cho tình cảm vợ chồng xấu thêm. Khi thấy phía bên kia im lặng mà bạn còn lải nhải tức là bạn đang độc thoại. Khi phía bên kia im lặng nghĩa là họ không muốn đối thoại nữa, vì thế bạn cũng nên im ngay, đừng nghĩ rằng mình đang áp đảo đối phương và thừa thắng xông lên.
Nghệ thuật đối thoại không phải là nói nhiều mà là nghe nhiều. Cần phải tỉnh táo để nghe phía bên kia nói gì mới có thể làm rõ được vấn đề và đưa cuộc đối thoại tới thành công. Nếu bạn độc thoại nghĩa là bạn không nghe được gì cả, vậy còn tốn hơi sức để lải nhải làm gì.
Không to tiếng
Lời nói không bao giờ đơn thuần chỉ là lời nói, nó có thể là sự căm phẫn, sự trìu mến yêu thương, có thể là tiếng thét, cũng có thể là tiếng hát. Tính chất và hiệu quả của lời nói được quyết định rất nhiều từ âm lượng.
Trong đàm phán ngoại giao, trong thương thảo giữa các nhà doanh nghiệp, khi tỏ tình với người yêu... người ta nói nhỏ và dịu dàng. Người khôn ngoan và lịch lãm luôn biết nói vừa đủ nghe trong tất cả mọi tình huống.
Trong đối thoại vợ chồng, nếu muốn thành công bạn càng cần phải nói nhỏ. Nếu bạn hét lên thì trước hết bạn sẽ tự giới thiệu mình là người vô văn hoá. Âm lượng càng tăng cao càng khiến bạn thiếu bình tĩnh và biến cuộc đối thoại thành khẩu chiến để rồi sau đó hai vợ chồng phải tránh nhìn mặt nhau nhiều ngày. To tiếng là chất kích nổ nhạy nhất trong đối thoại vợ chồng. Vì thế, trước khi đối thoại bạn cần phải tự nhắc mình nhiều lần rằng không to tiếng.
Không vung tay, chỉ vào mặt nhau
Một cái cười xoà trong đối thoại vợ chồng nhiều khi còn quan trọng hơn trăm nghìn lời nói, vì nó có tác dụng tháo kíp nổ. Cử chỉ, hành vi trong đối thoại thể hiện trình độ văn hoá của mỗi người. Hơn thế, cử chỉ còn là ngôn ngữ không lời, có sức biểu đạt nhiều hơn lời nói.
Những động tác chém gió liên tục chứng tỏ bạn đang mất bình tĩnh. Nếu ngón tay trỏ của bạn chỉ vào mặt người đối thoại thì chứng tỏ bạn khinh thường phía bên kia và đương nhiên ngay lập tức bạn cũng không được tôn trọng nữa.
Nếu cử chỉ của bạn lúc này được ghi hình cẩn thận để khi bình tĩnh xem lại bạn sẽ thấy mình thật lố bịch và những lần sau chắc chắn bạn sẽ biết giấu hai bàn tay mình vào túi quần. Các nhà báo thường có máy ghi âm tốt và máy ảnh của họ cũng có thể ghi hình, song không ai ghi lại những cuộc đối thoại đáng nhớ ấy cả, thật đáng tiếc.
Cấm xưng hô vô lối
Trong đối thoại vợ chồng, cách xưng hô rất quan trọng. Trước đây, xưng hô với nhau như thế nào thì khi đối thoại cũng cần xưng hô với nhau như thế, nếu khác đi thì tình hình sẽ trở nên căng thẳng và cuộc đối thoại có thể bị thất bại. Hôm qua còn anh anh em em, ngọt như mía lùi nhưng hôm nay trong khi đối thoại lại gọi cô, xưng tôi, thậm chí nhiều người còn gọi nhau là con nọ, thằng kia rất xách mé. Chỉ riêng việc đổi cách xưng hô thôi cũng có thể khiến cuộc đối thoại thành một cuộc khẩu chiến quyết liệt.
Không đi lạc đề
Nhiều cuộc đối thoại đã bị thất bại vì cả hai đi lạc đề, chuyện nọ xọ chuyện kia. Bắt đầu là chuyện cậu con trai học hành sa sút, hai vợ chồng đối thoại bàn cách nuôi dạy con cho tốt nhưng được vài câu thì đã bắt đầu đi lạc đề. “Con học kém vì mải chơi và lêu lổng nhưng cũng tại em chiều con quá, hễ xin tiền là cho mà không hỏi để làm gì. Đúng là con hư tại mẹ”. “Anh có bao giờ quan tâm đến con đâu. Suốt năm anh chưa đón con một lần nào. Hết giờ làm là kéo bạn bè đi nhậu nhẹt. Anh xem quán xá hơn cả gia đình. Con trai anh là đứa trẻ bị thiệt thòi nhất”. Thế là cuộc đối thoại bị lạc đề, chuyện giáo dục con nên như thế nào không được bàn tới nữa, thay vào đó là hai người kể tội nhau.
Vợ chồng có thể giận nhau chỉ vì một lời nói.
(Ảnh minh họa)
Cấm xúc phạm nhau
Đối thoại chỉ có thể thành công trên tinh thần tôn trọng nhau. Người nói phải có người nghe với một thái độ bình tĩnh và tôn trọng, không xúc phạm nhau dưới bất kỳ hình thức nào. “Bố mẹ anh chưa từng dạy bảo anh phải đối xử với phụ nữ thế nào cho văn minh lịch sự ư?”. Chỉ với một câu đó thôi là “sấm sét” đã có thể nổi lên rồi. Có bà vợ rất giỏi bắt chước cách nói ngọng của chồng trong khi đối thoại. Vì thế không cuộc đối thoại nào của họ dẫn tới thành công mà kết cục đều biến thành một cuộc chiến tranh lạnh.
Không mượn ý kiến của người khác để đánh giá về nhau
“Ngày trước bà cô của em đã khuyên em rồi - thằng ấy không phải là người tử tế đâu, đừng đâm đầu vào mà khổ. Đáng tiếc là em đã không nghe lời khuyên đó”. “Bạn bè của cô ở cơ quan phục tôi sát đất vì đã chịu đựng được một người như cô”. Việc trích dẫn những lời vô bổ đó khiến cả hai điên tiết và có thể đưa sự chịu đựng của cả hai bên đến giới hạn cuối cùng.
Đừng bắt phía bên kia phải đưa ra lời hứa
Mục đích cuộc đối thoại là để làm rõ vấn đề, để thông cảm và hiểu nhau hơn chứ không phải để bắt buộc một người nào đó phải đưa ra một lời hứa. Nếu bạn bắt người khác hứa tức là một cách gián tiếp khẳng định chiến thắng của bạn, trong khi đối thoại không nhằm phân định thắng thua. Khi thấy vấn đề đã sáng rõ, cần chủ động kết thúc cuộc đối thoại. “Có lẽ vấn đề chỉ thế thôi anh (em) nhỉ. Có gì sau này chúng mình sẽ bàn thêm”- đó là cách kết thúc đối thoại thông minh và hợp lý, hợp tình nhất.
Khánh Hoàng
Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Mấy câu ni cũng bổ ích đó hậy. Ráng nhớ đi nghe cưng :-)
Trả lờiXóa